ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN “NGÀY HỘI TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC” 19/8/2023

Thứ tư - 02/08/2023 20:50
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
“NGÀY HỘI TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC” 19/8/2023
(Kèm theo Hướng dẫn số 86/HD-CAT-PV05 ngày 04/5/2023 của Công an tỉnh Phú Yên)
Qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, quần chúng nhân dân luôn đóng vai trò quyết định đến sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân. Đảng chỉ rõ: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; mọi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng chỉ có thể được thực hiện bằng sự tham gia tích cực, bằng hành động sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân, không có quần chúng nhân dân thì không có cách mạng.
Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), vai trò của quần chúng nhân dân quyết định đến sự ổn định chính trị đất nước và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Công an có bao nhiêu người? dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân...Phải làm sao có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại. Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA
 PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân ta đã đoàn kết, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, phát huy vai trò làm chủ, tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cách mạng, đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển không ngừng. Trong từng chặng đường cách mạng, ở những hoàn cảnh khác nhau, đấu tranh với những loại đối tượng khác nhau, quần chúng nhân dân đã sáng tạo ra nhiều hình thức, biện pháp, tổ chức lực lượng, đấu tranh chống phản cách mạng và các loại tội phạm, bảo vệ, phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo thành phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ sôi nổi, rộng khắp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ở mỗi giai đoạn cách mạng, do yêu cầu thực tiễn, phong trào bảo vệ ANTQ có những tên gọi khác nhau: Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có cuộc vận động quần chúng thực hiện "Ba không" (không nghe, không biết, không thấy) để bảo vệ bí mật, bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng ở các tỉnh phía Bắc; phong trào "Ngũ gia liên bảo", "Phòng gian bảo mật" ở Nam Bộ để giữ gìn An ninh trật tự (ANTT), bảo vệ bí mật, bảo vệ cán bộ, tổ chức... Nhân dân đã giúp đỡ lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn kịp thời nhiều âm mưu phá hoại của địch. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phong trào và các cuộc vận động nhân dân đã có bước phát triển sâu rộng ở khắp các địa bàn như: Cuộc vận động “3 phòng”; phong trào “Bảo vệ trị an” ngoài xã hội và “Bảo mật phòng gian” trong cơ quan xí nghiệp… Huy động được sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân về giữ gìn ANTT, góp phần to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), theo chỉ đạo của Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 24 (9/1975) và kế thừa các phong trào trước đây, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30 (12/1975) quyết định phát động "Phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ". Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo bởi phong trào đã bao quát trên tất cả các lĩnh vực: bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hoá - tư tưởng, an ninh xã hội và an ninh - quốc phòng; lực lượng Công an đã sớm tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước thống nhất các phong trào, cuộc vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANTT trong toàn quốc thành phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ. Đồng thời Công an các cấp đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu phục vụ cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào bảo vệ ANTQ. Phong trào đã có bước phát triển khá sâu rộng, với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng khu vực, từng lĩnh vực, từng địa bàn; nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc được nhân rộng trong toàn quốc. Phong trào đã phát huy năng lực sáng tạo của cơ sở, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của toàn dân trong phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm coi trọng công tác vận động và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, coi đó là công tác trọng tâm có tính chiến lược trong đường lối chỉ đạo của Đảng. Chính vì vậy, cùng với kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám, ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19/8 hàng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân, đồng tâm hiệp lực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Cùng với Ngày hội quốc phòng toàn dân, “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” là cao trào, thể hiện tập trung tinh thần, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC
 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được duy trì và phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, đã có tác dụng phòng ngừa, thu hẹp các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm ngay từ cơ sở.
Từ những năm trước đây, các phong trào quần chúng “Vận động ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động ra trình diện chính quyền cách mạng” (1975-1976); “Bảo vệ vùng biển, đấu tranh ngăn chặn vượt biển trốn ra nước ngoài, chống địch phá hoại công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa” (1977-1979); “Chống chiến tranh tâm lý, chống tiêu cực trong nội bộ, chống tội phạm hình sự” (1979-1985), đến hiện nay với các phong trào tiêu biểu: “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ”; “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”; “Phòng chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên”; “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”…đều có sự đóng góp công sức của quần chúng nhân dân từ miền xuôi đến miền núi, từ thành thị đến nông thôn, từ nội bộ cơ quan, đoàn thể đến ngoài xã hội, đưa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển rộng khắp.
 Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực ANTT như: các Nghị quyết về tăng cường công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ trong tình hình mới; công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ vùng đồng bào có đạo và vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số; Chỉ thị về xây dựng các tổ chức quần chúng làm công tác ANTT ở cơ sở; Chỉ thị về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác ANTT trên địa bàn tỉnh; Đặc biệt, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 07/3/2012 triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngày 17/5/2011 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về phát động phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”; Chỉ thị số 28/CT-UBND ngày 23/10/2014 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Ngày 15/02/2022 UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về triển khai Thông tư số 124/2021/TT-BCA  ngày 28/12/2021 của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; Hướng dẫn số 06/HD-BCĐ ngày 10/3/2022 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh về Tiêu chí đánh giá, phân loại phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Qua triển khai thực hiện đã động viên đông đảo quần chúng nhân dân phát huy vai trò to lớn đối với công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, xây dựng “Thế trận an ninh nhân dân” vững chắc, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, xây dựng củng cố thực lực chính trị ở cơ sở và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
           Qua 18 năm thực hiện Quyết định 521-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ (19/8/2005 - 19/8/2023), “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã liên tục
được đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng. Ngày hội không chỉ là nơi tập hợp đông đảo quần chúng mà còn là biểu dương lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm. Các địa phương, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, người có công trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được lồng ghép, gắn kết với nhiều phong trào cách mạng khác như: cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”… thực sự đã tạo sức hút, sự lan tỏa và đem lại hiệu quả to lớn. Từ gia đình, thôn xóm, đến các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục… đã xuất hiện nhiều mô hình bảo đảm ANTT theo phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 86 loại mô hình/422 điểm mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được triển khai nhân rộng ở cấp cơ sở, như: Mô hình “Quản lý giáo dục trẻ em, người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư"; mô hình liên kết bảo đảm ANTT “Trường - xã, phường, thị trấn”; mô hình liên kết bảo đảm an toàn về ANTT tại bàn giáp ranh; mô hình “Tự phòng - Tự bảo vệ” triển khai rộng rãi ở từng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, khu dân cư; mô hình “Tổ công nhân vì môi trường xanh - Tự quản về ANTT”. Một số mô hình hoạt động hiệu quả được Công an tỉnh tổ chức nhân rộng như: Mô hình “Giúp em vươn lên” của Phường 2, TP. Tuy Hòa; mô hình “Tuyên truyền an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông thông qua mạng facebook” tại Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An); mô hình “Bệnh viện Sản Nhi an toàn về ANTT”; mô hình “Đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn giáp ranh”, “Tự phòng - Tự bảo vệ”, “Phòng ngừa, trợ giúp trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng dân cư”, “Trường - xã, phường, thị trấn”; “Camera giám sát an ninh”,... qua đó đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, làm giảm nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại cơ sở.

          Kể từ năm 2010 đến nay, quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 17.000 tin có giá trị liên quan đến ANTT làm cơ sở điều tra, xử lý nhiều vụ phạm pháp hình sự và các trường hợp vi phạm pháp luật ở cơ sở; lực lượng Công an đã phối hợp với các đoàn thể, gia đình và quần chúng nhân dân hòa giải trên 4.600 trường hợp tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phối hợp bắt, vận động đầu thú, thanh loại trên 700 đối tượng truy nã. Đặc biệt, qua công tác dân vận, vận động, quần chúng nhân dân đã kịp thời phát hiện và cung cấp thông tin, giúp lực lượng Công an đấu tranh thành công nhiều vụ án, chuyên án như: Chuyên án C611, phá tan tổ chức phản động có xưng danh “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”; Chuyên án “VT11- PY” đấu tranh với đối tượng người nước ngoài sử dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo quốc tế chiếm đoạt tài sản của một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài với số tiền hơn 500.000 tệ; Chuyên án triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet, với tổng số tiền tham gia đánh bạc khoảng 200 tỷ đồng; Chuyên án cướp tài sản đặc biệt nghiệm trọng xảy ra ngày 19/8/2018 tại Khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, với tổng số tiền bị cướp hơn 3 tỷ đồng, đã bắt toàn bộ đối tượng gây án và thu giữ nhiều tài sản, tang vật liên quan đến vụ án; làm rõ trên 90% số vụ trộm cắp tài sản, ma túy, tín dụng đen, tệ nạn xã hội...
          Qua phong trào phát hiện, tố giác và truy bắt tội phạm, với tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm đã xuất hiện nhiều gương quần chúng tiêu biểu xuất sắc được UBND các cấp, Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng đột xuất vì có thành tích tham gia đấu tranh, tố giác và truy bắt tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương cơ sở, điển hình như: anh Lê Đức Dũng, thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến và anh Trần Tấn Lộc, thôn Chính Nghĩa, xã An Phú, TP. Tuy Hòa; các anh Nguyễn Thanh Sơn - nhân viên bảo vệ Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phan Tấn Dược - nhân viên bảo vệ Sở Công thương tỉnh; Nguyễn Bá Du - Công an viên chuyên trách xã Hòa Thành, TX. Đông Hòa; Nguyễn Thanh Yên, thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa; Huỳnh Tú Tài, thôn Phước Lộc 1, xã Hòa Thành, TX. Đông Hòa; các anh Trần Văn Sơn, Nguyễn Đức Hoàng và Lê Văn Lanh, cùng trú thôn Lương Phước, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa,..
      Tổ chức có hiệu quả “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” hàng năm là góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm và năng lực của toàn dân nói chung và của cán bộ, công nhân viên, người lao động, học sinh, sinh viên nói riêng trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ hiện nay. Gắn việc thực hiện "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ" với thực hiện các phong trào thi đua của từng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, làm nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây